Từ A đến Z cách trồng si cẩm thạch (Ficus triangularis variegata)
So với Bàng Sing (Ficus Lyrata), thì cây si cẩm thạch hay còn gọi là đa tam phúc (Ficus triangularis variegata) ít được chú ý hơn, dù vậy, loài cây này có một vẻ đẹp rất riêng, rất nổi bật với màu lá var tựa như vân đá cẩm thạch mềm mại nữ tính, đủ để làm xiêu lòng bất cứ ai yêu cái đẹp. Hôm nay Nắng trong vườn sẽ giúp các bạn có cái nhìn tổng quan nhất về loài cây xinh đẹp này, cũng như đưa ra một số hướng dẫn cơ bản giúp bạn có một hành trình trồng và chăm cây dễ dàng hơn!
Tìm hiểu về cây si cẩm thạch Ficus triangularis variegata
Không giống như nhiều loài cây cảnh khác, như kim tiền, lưỡi hổ, cây si cẩm thạch có rất nhiều tên gọi khác nhau, thậm chí mỗi nhà vườn, mỗi tiệm bán cây lại gọi loài cây này bằng những cái tên khác nhau, dẫn đến sự bối rối của người mua cây. Nắng trong vườn sẽ cùng bạn tìm hiểu xem đâu mới là tên gọi đúng nhất của loài cây này nhé.
>>>Đọc thêm: Bách khoa toàn thư về sen đá
Cây si cẩm thạch, hay còn gọi là si Thái, đa tam phúc, bàng cẩm thạch, bàng trái tim có tên khoa học là ficus triangularis variegata. Có nhiều tên gọi như vậy, vậy đâu mới là cái tên chính xác của loài cây này?
Trước hết, chúng ta đối chiếu với tên khoa học của cây là Ficus triangularis variegata. Tuy đôi khi được gọi bằng cái tên Bàng cẩm thạch hoặc Bàng tam phúc nhưng thực chất loài cây này thuộc chi Sung (Ficus), nằm trong họ Dâu tằm, không liên quan gì đến chi Bàng (Terminalia), nằm trong họ Trâm Bầu (Combretaceae). Chi Sung còn có nhiều tên gọi khác như chi sung đa, chi sung si, chi sanh si, chi đa đề, chi si đa. Ngoài ra, dòng cây này có nguồn gốc từ Nam Phi chứ không phải từ Thái Lan như nhiều nhà vườn và các tiệm cây cảnh vẫn gán cho nó cái tên si Thái.
Vì vậy, Nắng trong vườn có thể khẳng định si cẩm thạch hay đa tam phúc là những cái tên chính xác nhất cho loài cây này.
Ficus triangularis variegata thuộc họ Moraceae và có nguồn gốc từ Nam Phi. Tên gọi này xuất phát từ chiếc lá có hình tam giác, đôi khi là hình tim. Lá của si Thái có viền vàng với với màu xanh và vàng đan xen lẫn nhau.
>>> Đọc thêm: Tại sao cây si cẩm thạch bị rụng lá
Đặc điểm của si cẩm thạch
Tên khoa học | Ficus Triangularis Variegata |
Tên thường gọi | Si cẩm thạch, Đa tam phúc |
Họ | Sung Si |
Đất trồng | Ẩm và thoát nước tốt |
Độ pH | 6.0 – 6.5 |
Có độc cho | Thú nuôi (chó và mèo) |
>>>Đọc thêm: Tóc thần vệ nữ có đỏng đảnh và khó chăm như lời đồn?
Hướng dẫn chăm sóc si cẩm thạch
Đất
Loại đất thích hợp cho Ficus Triangularis Variegata là đất hữu cơ thoát nước tốt, khô nhanh và không trữ nước lâu.
Nắng trong vườn gợi ý bạn tỉ lệ trộn đất như sau: 3 đất, 2 phân, 2 trấu hun, 2 xơ dừa, 1 đá perlite. Ngoài ra, bạn có thể phủ thêm 1 lớp xơ dừa lên bề mặt chậu để điều chỉnh độ ẩm.
Nước
Cây si cẩm thạch ưa nước, vì vậy bạn nên tưới nước thường xuyên cho cây. Hãy nhớ đảm bảo rằng đất khô trước khi bạn tưới cây trở lại. Nếu bạn không để khô và đất bị úng, rễ cây sẽ dễ bị thối.
Cách tốt nhất để ngăn điều này xảy ra là kiểm tra đất trước khi tưới cây, Nắng trong vườn bật mí một mẹo nhỏ, đó là dùng một chiếc que chọc vào đất khoảng một đốt ngón tay, nếu rút ra thấy que khô thì đó là lúc cần phải tưới. Vào mùa đông, mình thướng tưới 1 lần/ngày, và 2 lần/ngày vào mùa hè.
Ánh sáng
Những cây thuộc họ ficus đều ưa ánh sáng trực tiếp và gián tiếp. Vì vậy, si cẩm thạch rất thích hợp để trồng trong nhà với điều kiện nhà có ánh sáng gián tiếp. Bạn có thể đặt cây ở phòng khách, gần cửa kính để cây hấp thụ ánh sáng tốt hơn. Ficus triangularis không chịu được mức độ ánh sáng thấp, nếu không hấp thụ đủ ánh sáng, cây sẽ bị mất dần sắc tố xanh, trở nên xỉn màu và rụng lá.
Lưu ý: ánh nắng gay gắt có thể làm cháy lá, vì vậy nếu bạn muốn để cây ở ngoài trời, hãy nhớ đặt cây ở nơi có mái che.
Bón phân
Bạn có thể bón phân hữu cơ cho cây bằng dịch chuối hoặc bằng phân bón dành cho cây trồng trong nhà đã được pha loãng. Bạn nên bón phân cho cây vào thời tiết ấm áp. Sau khi mùa đông kết thúc, trời bắt đầu vào xuân và ấm dần là thời điểm thích hợp nhất để bón phân cho cây.
Cá nhân mình ít khi bón thêm phân cho cây. Thay vào đó, ngay từ công đoạn trộn đất, mình đã trộn phân trùn quế vào đất rồi. Khi mùa xuân đến, cũng là thời điểm cây phát triển mạnh mẽ nhất, mình chỉ cần xới phần đất xung quanh gốc lên, cách gốc cây khoảng 5cm, và trộn thêm phân trùn vào.
Một số lưu ý cho các nông dân thành thị đây:
Đầu tiên, cây Ficus triangularis Variegata gây ngộ độc cho chó mèo nếu ăn phải, vì vậy, nếu nhà bạn đang nuôi các boss thì hãy lưu ý đặt chậu cây ngoài tầm với của các boss nhé.
Ngoài ra, cây đa tam phúc khá nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường. Vì vậy, nếu bạn đột ngột thay đổi nơi đặt cây, chẳng hạn từ ngoài sân vào trong nhà, cây có thể bị stress dẫn đến rụng lá. Lúc này, bạn đừng lo lắng, hãy đặt cây vào một nơi có ánh sáng vừa phải, không có nắng gắt chiếu trực tiếp, tiếp tục tưới nước như hằng ngày. Sau một thời gian rụng lá, cây sẽ tự mọc lại.